Bảo kê

Đọc bài "Ai bảo kê cho Trầm Bê" của nhà báo Huy Đức, tôi không thể không tự hỏi ai bảo kê cho Huy Đức.

Để có thể phê bình nặng nề, liên tục tấn công thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đúng hay sai chưa xét, người bảo kê cho Huy Đức phải có quyền lực không kém. Đọc các bài viết khác của Huy Đức, tôi đoán đó là chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhưng không đủ thông tin để kết luận. Trương Tấn Sang (trước đây là Võ Văn Kiệt) bảo kê cho Huy Đức có lẽ vì họ cùng ở Sài Gòn.

Chia phe đánh nhau là tất yếu trong chính trị. Chính trị không có phe phái là độc tài toàn trị. Nội bộ đảng cộng sản đánh nhau loạn xạ đáng mừng hơn đáng lo. Cánh nhà báo chọn phe cũng không sao. Các tờ báo ở Mỹ cũng thường có xu hướng chính trị rõ rệt. New York Times cấp tiến, thường ủng hộ Dân Chủ. Fox News, ngược lại, bảo thủ, là diễn đàn của Cộng Hòa.

Dẫu vậy khi tờ New York Times phê bình George W. Bush, hay xỉa xói thượng nghị sĩ Cộng Hòa, họ không cần bảo kê của Obama. Hay khi Fox News chửi Obama xối xả, họ cũng không cần đảng Cộng Hòa bảo kê. Không chỉ nhà báo, khi một người dân thấp cổ bé họng lên tiếng phê bình chính phủ hay những kẻ có quyền lực, họ không cần bảo kê của bất kỳ ai.

Vì hiến pháp Mỹ đã cho dân chúng quyền được nói. Dân chúng và nhà báo, cả thảy, được hiến pháp bảo kê. Tổng thống Mỹ khi tuyên thệ nhậm chức, không thề trung thành với Đảng và Nhà Nước, mà thề trung thành và bảo vệ hiến pháp, tức là thề sẽ bảo kê quyền được nói của dân chúng, kể cả khi họ phê phán chính ngài tổng thống. Những người sáng lập nước Mỹ nhận ra rằng muốn đất nước phát triển bền vững, trước nhất phải bảo vệ tự do của dân chúng. Họ đã đúng.

Tôi đọc bài của Huy Đức, thấy nhiều sai phạm của Nguyễn Tấn Dũng và của chính phủ. Dẫu đúng hay sai, tôi không có đủ thông tin để đánh giá, Huy Đức vẫn có những ý kiến, thông tin trái chiều hiếm hoi, quý giá. Muốn phát triển, chúng ta phải xây dựng được một thể chế tối đa hóa cơ hội nhận ra rằng chúng ta đang sai, một văn hóa cảm ơn, tưởng thưởng và bảo vệ người phát hiện ra rằng chúng ta đã sai. Muốn phát triển chúng ta phải lắng nghe, chứ không bắt bỏ tù hay lên án, những người có ý kiến trái chiều. Muốn phát triển, phải có kiểm soát và phản biện. Việt Nam cần những người như Huy Đức, bất kể ông ấy chọn phe phái ra sao. Hiến pháp không bảo vệ được Huy Đức, có thể ông ấy phải dựa vào phe phái. Nhưng nếu ngày mai, phe của Huy Đức thất thế, liệu ổng có còn được lên tiếng?

Đằng sau hiến pháp là nhân dân. Muốn Việt Nam phát triển, do đó, chúng ta, dân chúng, phải bảo kê cho Huy Đức, bất kể có đồng tình với ổng hay không. Nếu ngày mai Huy Đức bị bắt, vì "phản động", vì "nói xấu lãnh đạo", vì "chống phá nhà nước", vì "hai cái bao cao su đã qua sử dụng" chúng ta phải xuống đường biểu tình đòi tự do cho ổng, chẳng hạn vậy.

Trương Tấn Sang hay Nguyễn Tấn Dũng không phải là trùm bảo kê ở đất nước này. Nhân dân mới là trùm cuối, vấn đề là chúng ta có muốn và có dám hay không. Nếu chúng ta muốn, một lúc nào đó, chính những Trương Tấn Sang hay những Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải sống dưới sự bảo kê của chúng ta, chứ không phải ngược đời "tớ bảo kê cho chủ" như thời đại rực rỡ này.

Comments

Anonymous said…
của dân,do dân,vì dân nhưng tuyệt đối trung thành với đảng??
Unknown said…
hiếm khi lắm mới thấy 1 bài của anh nói trực tiếp về chính trị dù vẫn thấy thấp thoáng đâu đó trong những bài viết khác
Unknown said…
Tôi từng đọc đâu đó rằng tương lai của cái dân tộc tôi mọi cộng nô này phụ thuộc vào những trí thức như ông Cù Huy Vũ, Osin hoặc ít ra là những người nhận thức được giá trị và sự quí giá của tự do, dân chủ. Thank anh và chúc anh mạnh khỏe