Linux sẽ thất bại nếu bắt chước Windows

Lâu lắm rồi tôi mới đọc được một bài viết hay và có nhiều điểm mới về Linux và phần mềm tự do như thế này:

Hễ chỗ nào mà Linux quen thuộc và giống những gì bạn đang sử dụng, chỗ đó không có gì mới và cải tiến. Nên đón nhận những cái khác biệt bởi vì đó là cơ hội để Linux toả sáng. (Hoàng Quốc Huy)

Sự thật: Linux không phải là Windows.

Hầu như ai mới chuyển qua Linux cũng than vậy. Ai cũng hy vọng Linux tốt hơn Windows về chi phí, hiệu suất, bảo mật, nhưng lại muốn nó giống Windows. Nếu giống thì chỉ kém hoặc bằng, làm sao tốt hơn được? Ai cũng bỏ qua nghịch lý này rồi đổ lỗi cho những khác biệt trong Linux.

Thí dụ Firefox thành công không nhờ bắt chước Internet Explorer mà vì nó tốt hơn. Nó tốt hơn bởi vì nó khác biệt. Nó duyệt bằng tab (so với IE 6 lúc Firefox mới ra), live bookmark, thanh tìm kiếm tích hợp sẵn, có thể mở rộng thêm bằng extension. Lý thú nhất là chức năng tìm kiếm, gõ tới đâu tìm tới đó. Nếu như Firefox bắt chước IE thì đâu có những tính năng đó và đã thất bại ngay từ đầu. Linux cũng thất bại nếu bắt chước Windows.

Hễ chỗ nào mà Linux quen thuộc và giống những gì bạn đang sử dụng, chỗ đó không có gì mới và cải tiến. Nên đón nhận những cái khác biệt bởi vì đó là cơ hội để Linux toả sáng.

Sự thật: Linux quá khác Windows.

Windows và Linux được thiết kế cùng một mục đích nhưng khác phương pháp, mỗi cái có thế mạnh và điểm yếu, giống như xe hơi và môtô. Bạn không thể dùng kỹ năng lái xe hơi để lái môtô, nhưng phần cơ bản là vẫn giống. Bạn đều phải đổ xăng, tăng ga, đạp thắng, chạy trên đường, theo luật giao thông. Những "chuyên gia Windows" thường gặp vấn đề nhiều hơn những người mới vào Linux. Chuyên gia thường nghĩ rằng mình còn không sử dụng được, huống chi là "tay mơ". Nhưng sự thật thì ngược lại.

Như vậy, đừng cho rằng nếu bạn là "chuyên gia" về Windows thì bạn cũng là chuyên gia về Linux. Khi mới bắt đầu với Linux, bạn là người mới học.

Bạn hỏi tại sao mình lại thúc đẩy phần mềm tự do? Không phải vì tiền, trách nhiệm hay lý tưởng. Đơn giản là mình đã và đang tận hưởng sự tự do nó mang lại nên muốn thúc đẩy đóng góp để tiếp tục hưởng sự tự do đó, để giúp mọi người cùng thưởng thức. Sự tự do này ban đầu đã có cho tới khi bản quyền phần mềm xuất hiện (hơn 20 năm trước). Người dùng mới không biết tới sự tự do này nên không đấu tranh vì chưa biết được giá trị của nó. Ở Việt Nam hơi khó nhận thức được một phần do CNTT chưa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tự do này cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Nếu bạn mới đến với Linux hoặc đã từng bỏ cuộc với những distro khác, hãy thử Ubuntu. Hiện nay Ubuntu là phiên bản GNU/Linux thân thiện với người dùng nhất. Bạn cũng nên tìm hiểu về triết lý của phần mềm tự do và Ubuntu để hiểu tại sao nên sử dụng nó và tại sao Windows không thể so sánh được.

Comments