Người khai sáng

Tôi cứ suy nghĩ mãi về phần 2a trong ý kiến của anh Ngô Quang Hưng. Những người khai sáng, VN hay nói gọn lại, những người trẻ như tôi, thật sự cần họ. Anh Hưng có nói về vai trò của báo chí trong việc khai sáng tư tưởng, tôi nghĩ rằng báo chí khó làm tròn vai trò đó trong điều kiện thiếu tự do như hiện tại. Nếu người cầm trịch không sáng suốt và không biết lắng nghe thì kẻ bề tôi dù có sáng suốt cỡ nào cũng khó lòng làm ngược lại. Mọi thứ rồi sẽ thay đổi, nhưng chúng ta không thể chờ đợi được nữa, đã muộn lắm rồi.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động chân tay ở một khu vực nhập cư nổi tiếng về nạn trộm cướp và thiếu an ninh trật tự ở Sài Gòn. Từ nhỏ tôi đã quen với các hoạt động mê tín dị đoan như xin số đề ở các miếu cố hồn hay coi bói, lên đồng lên cốt...Ở nhà, bố mẹ hay ông bà tôi cũng tin vào những chuyện đó. Mọi chuyện nhanh chóng thay đổi khi tôi được đi học và trò chuyện với người thân của tôi về những gì thầy cô giáo đã dạy tôi. Gia đình tôi bắt đầu tin vào những điều tôi nói, và cho đến tận bây giờ, khi có thắc mắc về bất kì vấn đề nào có liên quan đến chính trị, khoa học hay tư tưởng, bố mẹ tôi luôn hỏi ý kiến của tôi trước nhất. Họ vẫn đọc báo hàng ngày, nhưng họ tin tôi nói hơn là báo chí nói. Nói một cách khác, nếu tôi được khai sáng, chắc chắn gia đình tôi cũng sẽ được khai sáng.

Nếu báo chí không thể thực hiện việc khai sáng, ai sẽ đảm nhận vai trò đó? Bạn và tôi. Mỗi người trong chúng ta phải biết tự khai sáng bản thân bằng cách lắng nghe những người xung quanh và đồng thời, khai sáng cho những người xung quanh khác chưa được khai sáng. Trong thời đại Internet bây giờ, người xung quanh ta không còn giới hạn ở bạn bè, người thân, hàng xóm hay đồng nghiệp nữa, mà là tất cả mọi người trên toàn thế giới mà ta có thể giao tiếp được, bằng bất kì hình thức nào, trong đó blog là một kênh giao tiếp cực kì hiệu quả. Chẳng phải người ta đã nói rất nhiều về việc blogging như là phiên bản mới của hoạt động báo chí trong thế kỉ 21? Anh Hưng và tôi cách nhau rất xa về mặt vật lý nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được những ý kiến và tư tưởng mà anh ấy muốn truyền đạt, nói cách khác, tôi vẫn được anh Hưng khai sáng dẫu cách nhau gần nửa vòng trái đất. Mà không chỉ mỗi anh Hưng, tôi có thể được đả thông tư tưởng nhờ bất kì người nào kết nối vào Internet.

Vấn đề duy nhất còn lại là trước lượng thông tin lớn như vậy, liệu tôi có đủ khả năng gạn đục khơi trong, tiếp thu những tinh hoa và loại bỏ đi cặn bã? Trở lại với câu chuyện của gia đình tôi, bố mẹ tôi tin tưởng hoàn toàn vào những gì tôi nói, nghĩa là họ phó thác cho tôi công việc gạn đục khơi trong. Tôi tin tưởng vào những điều anh Hưng nói, nghĩa là tôi phó tác cho anh Hưng công việc loại bỏ cặn bã. Điều đó có nghĩa rằng, như anh Hưng nói, chúng ta cần những người đi tiên phong. Họ là những nhà tư tưởng, những nhà khoa học, những người nắm vững tinh hoa của thế giới, những người mà chúng ta có thể tin tưởng.

Trong suốt 4 năm tôi học ở một trường đại học lớn nhất nhì VN, chưa bao giờ tôi được tham dự một buổi trò chuyện của một người danh tiếng nào cả. Tôi không đánh đồng người có danh tiếng với những nhà tư tưởng, người có danh tiếng chưa chắc là người đã được khai sáng (hãy nhìn các ca sĩ sẽ biết) nhưng những nhà tư tưởng lỗi lạc chắc chắn có nhiều tiếng tăm. Tôi chưa bao giờ được nghe thủ tướng, bộ trưởng, viện trưởng, nghị sĩ hay bất kì ông bự nào đó trò chuyện, lắng nghe và giải đáp các thắc mắc của tôi. Chắc chắc không chỉ mình tôi, hầu hết sinh viên VN đều như vậy. Họ không quan tâm đến sinh viên chăng? Chắc chắn không. Họ là những người hoạch định tương lai của đất nước, mà ai cũng biết sinh viên, thế hệ trí thức trẻ chính là người sẽ thực hiện những kế hoạch của họ. Tôi nghĩ chắc hẳn họ là những người không có tài hùng biện hay thuyết phục. Quái lạ, tại sao một người không có tài nói chuyện trước đám đông lại được lãnh đạo đám đông? Dần dà, tôi cho rằng xung quanh chẳng có nhà tư tưởng nào cả, chẳng có ai đủ hấp dẫn để tôi có thể lắng nghe rồi ngộ ra những chân lý ẩn chứa trong lời nói của họ. Nhưng rồi tôi nhận ra một thực tế đau lòng hơn, các nhà tư tưởng hình như không được phép lên tiếng ở đây. May mắn thay, như tôi đã nói, mọi việc đang thay đổi rất nhanh. Và hôm nay tôi đã gặp được một nhà tư tưởng trò chuyện trực tiếp trước đám đông sinh viên.

Ông ấy tên là Nguyễn Trần Bạt. Ông không phải là ông bự, có chức có quyền, mà chỉ là một doanh nhân thành đạt. Tôi không đủ kinh nghiệm và tri thức để có thể đánh giá về tất cả những gì ông đã nói (tôi sẽ rất vui nếu anh chị nào đó chỉ ra những điều ông ấy nói sai, duy ý chí chẳng hạn) nhưng tôi cảm nhận rằng ông là một nhà tư tưởng lớn, ít nhất là đối với tôi. Ông còn là một người lương thiện, thành thật và sành đời. Nghe ông nói, tôi ngộ ra được nhiều điều về cuộc sống và cách sống. Tôi vui vì những suy nghĩ của tôi không rời xa thực tế, mà nó đã được một người như ông Nguyễn Trần Bạt thừa nhận. Điều tôi tâm đắc nhất khi nghe ông nói là sự lương thiện. Từ trước tới giờ, tôi luôn tự nhủ phải sống tốt, không làm điều xấu, dont be evil và lương thiện là từ đơn giản nhất để mô tả cách sống đó. Xin chân thành cảm ơn ông. Phải chi ông ấy nói chuyện ở trường tôi nhỉ? Hay nhất là ông ta mở một cái blog.

Bạn có thể nghe buổi trò chuyện của ông Nguyễn Trần Bạt ở đây:
Ngoài ra ông còn viết một số sách:
-Thái.

Comments

Anonymous said…
Bài này có lẽ nên được di chuyển qua "Thaidn on non-technical stuff" ;=)
Anonymous said…
Đọc những gì bạn viết, tôi nghĩ bạn hiểu nhầm về ý khai sáng mà anh Hưng đề cập (nếu anh Hưng ngụ ý triết học khai sáng của Kant).

Tuy nhiên, việc bạn "suy nghĩ mãi" và viết bài này chứng tỏ phần nào bạn có tinh thần khai sáng.
Anonymous said…
Bài viết khá. Nói lên sự cần thiết của việc khai sáng và trả lời về nội dung ai là người sẽ thực hiện điều này. Tuy nhiên, có 1 cái không hay ở đây. Đó là em không nên đề cập những người đứng đầu, hay còn gọi là những ông 'bự', hoặc những người lãnh đạo. Vì theo anh, người lãnh đạo không chắc phải mang trọng trách 'khai sáng' cho một ai cả. Người lãnh đạo chỉ mang ý nghĩa là người đứng đầu của một tổ chức và làm cho công việc của tổ chức được chính xác và hiệu quả hơn mà thôi.

-Chính.
Anonymous said…
Cám ơn nhiều về bài viết của bạn. Nhờ bài viết này mà mình đã biết thêm 1 con người đáng khâm phục và học hỏi.
J.E said…
Hi,Em cũng được tham dự buổi nói chuyện này tại ĐH KTQD năm 2006 và cảm thấy rất ấn tượng với ông Nguyễn Trần Bạt.
Anonymous said…
Thực sự là đọc cái bài của ông Nguyễn Trần Bạt, học được nhiều điều. Đặc biệt là cách nhìn nhận của ông mà mình tự rút ra được - muốn trở nên giống ai đó thì hãy nghĩ những thứ mà họ nghĩ (mình cũng đã từng nghĩ về suy nghĩ, ý tưởng là sự khác biệt giữa 2 người chính là những suy nghĩ mà họ có). Đó chính là việc sao chép suy nghĩ. Ông còn nói đến tính tự do, cái này theo mình là chủ nghĩa cá nhân đề cao, tự lập - tách biệt khỏi các mối quan hệ (cái mình đang bị mắc phải - vì mình cứ như bị tự kỷ, mà chưa biết cách giải quyết. Chỉ biết 1 điều là tìm kiếm những người cùng suy nghĩ như mình, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khác còn bỏ ngỏ như sự tự tin, cách đi đứng, lời nói). Còn tính tự trọng thì, mình cũng biết tự trọng của mình là gì? Nếu ai đó nói mình ngu về 1 việc gì đó, nếu đúng thì mình nhận, ko đúng thì mình thấy suy nghĩ của mình và người đó khác nhau - và ko tiến gần nữa (nếu sau đó mình nhận ra là sai thì tính sau), như thể mình là robot vậy.
Còn các khái niệm kinh tế thì mình bái phục ông ấy. Chỉ biết đọc và cảm nhận, ko nhận xét.
2 link ngoài dẫn đến trang chungta.com không hoạt động nữa, tôi post 2 link backup để ai cần thì tham khảo:

https://web.archive.org/web/20061121233942/http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/Giao_luu_voi_sinh_vien_Khoa_quan_ly/

https://web.archive.org/web/20061209112753/http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/Giao_luu_NTB_voi_sinh_vien_Dai_hoc_Luat/