Bước ra khỏi chiếc giếng và những giấc mơ con

Tất cả có thể bắt đầu bằng một ước mơ – ước mơ không đi chậm hơn phần còn lại của thế giới. -Ngô Quang Hưng
Việt Nam gia nhập WTO, người ta nói nhiều về chuyện "làm thuyền to ra biển lớn" của các ngành nghề khác nhau, vậy mà tuyệt nhiên lại không thấy nhắc đến việc gia nhập WTO của khoa học và đại học Việt Nam:
Áp lực đè nặng lên nhà khoa học ở các nước là sự xuất hiện trên các diễn đàn khoa học danh tiếng trên thế giới. Không phải để lấy danh, mà là lẽ sống, là niềm đam mê, và vì nếu không nghiên cứu khoa học ở tầm quốc tế như thế, nhà trường không thể đào tạo ra những sản phẩm có chất lượng.

Vậy, tại sao trong khi giới doanh nhân của ta đang phải nhảy lên các sân chơi quốc tế, nắm rõ luật chơi và đẳng cấp các đối thủ của mình, thì những "nhà trí thức" vẫn còn luẩn quẩn ở sân nhà và bằng lòng với luật chơi của mình?
Bảo mật là một ngành khoa học kĩ thuật và nó cũng chịu chung số phận với các ngành khoa học kĩ thuật khác ở VN: nhập siêu. Chúng ta đóng góp quá ít vào kho tàng tri thức chung của cộng đồng bảo mật trên thế giới so với những gì chúng ta nhận được từ họ. Số người VN được cộng đồng làm bảo mật trên thế giới biết đến chưa đếm hết đầu ngón tay. Tổng cộng số bài viết của người VN đăng trên tạp chí Phrack từ ngày nó ra đời cho đến khi nó đăng số cuối cùng là 1. Chưa có người VN nào từng trình bày tham luận tại BlackHat. Vâng chúng ta có cả một cộng đồng làm bảo mật với những BKIS, HVA, VSEC...nhưng câu hỏi đau lòng là ra khỏi ranh giới VN, có ai biết đến cái cộng đồng này không?

Hồi bé, không nhớ là ai đã dạy hay tôi đã xem ở đâu đó mà mỗi lần có ai hỏi "Lớn lên con muốn làm nghề gì?", tôi liền trả lời ngay "Con muốn làm nhà bác học", mặc dầu chắc chắn 100% lúc đó tôi cũng chỉ biết bác học đồng nghĩa với việc trở thành một người như ông Charles Darwin với câu nói nổi tiếng "Bác học không có nghĩa là ngừng học". Nhưng tại sao bác học lại không có nghĩa là ngừng học? Anh Ngô Quang Hưng đã có câu trả lời đầy cảm hứng:
Đến đây thì tôi nhận ra rằng câu hỏi “học bao nhiêu là đủ?” là câu hỏi sai. Đáng lẽ ta phải hỏi “học cái gì thì cho ta pleasure?” Với tôi, “thú vị và sâu sắc” là một nguồn pleasure vô tận.
Bác học không có nghĩa là ngừng học là như thế đấy. Anh Hưng nhắc đến "thú vị và sâu sắc" như là một nguồn pleasure vô tận còn tôi thì nghĩ đến khao khát đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại cũng là một nguồn pleasure dồi dào không kém, là khởi nguồn của mọi sự sáng tạo!

Vậy phải chăng bạn và tôi, những người VN tự nhận mình đang làm bảo mật, không có đủ sự khao khát cống hiến? Không. Tôi nghe rõ điều đó dầu bạn không nói ra. Ai mà chẳng muốn có pleasure, thế nhưng muốn sáng tạo thì chỉ có sự khao khát thôi là chưa đủ (sách vở gọi là duy ý chí) mà còn cần nền tảng tri thức vững chắc và sự định hướng đúng đắn từ những người đi trước. Nền tảng tri thức cũng sẽ đạt được nhanh hơn nếu được định hướng sớm hơn, tôi nghiệm ra như vậy từ kinh nghiệm của bản thân mình. Tôi ước gì tôi được gặp và trò chuyện với anh conmale sớm và nhiều hơn thì có lẽ tôi đã không lãng phí một khoảng thời gian dài để làm những điều vô bổ. Đó cũng chính là lý do tôi viết blog: để giúp những người mới hơn tôi tránh phải những sai lầm tương tự, kiểu như lá rách đùm lá nát. Đâu rồi những chiếc lá lành? Đâu rồi những conmale khác? Thay vì chửi rủa và chê bai lũ scriptkiddies, tại sao không hướng đám người trẻ nhiều nhiệt huyết đó vào con đường đúng đắn?

Hôm rồi tôi có trao đổi qua email với một anh bạn người VN đã từng trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại khá nhiều hội thảo bảo mật uy tín trên thế giới. Tôi có khá nhiều bạn bè quen nhau qua email theo kiểu tôi vô tình thấy tên người đó và gửi email làm quen :p. Có một tin buồn và một tin vui. Tin buồn là những người mà tôi quen như trên vừa ít lại vừa không nắm thông tin về cộng đồng bảo mật ở VN. Tin vui là họ rất cởi mở, sẵn sàng trợ giúp nếu như bạn thật sự nghiêm túc. Vấn đề duy nhất còn lại là chúng ta sẽ sinh hoạt theo cách nào? Một forum, một mailing list, một IRC channel hay chính cái blog này? Bạn có ý kiến gì không? Tôi rất mong nhận được ý kiến của tất cả mọi người, nhất là những chiếc lá lành.


Xin chân thành cảm ơn đã lắng nghe,

-Thái.

Comments

Anonymous said…
Những suy tư của Thái rất đang được chia sẻ. Từ việc hình thành những nhóm hacker phá hoại cho đến việc thành lập trung tâm an ninh hay công ty bảo mật đã một bước tiến. Tuy vậy cả hai thái cực này vẫn chưa ý thức hết trách nhiệm của họ với cộng đồng bảo mật và nền bảo mật của nước nhà. Nếu như các hacker hay nhóm hacker phí thời gian phá hoại lẫn nhau thì số ít các công ty bảo mật vẫn ngày đêm soạn vở chèo nhạt nhẽo và tô vẽ cái mặt hề của họ để ra sân khấu đánh bóng cái tên tuổi mà không được cộng đồng bảo mật tôn trọng cho lắm. Tóm lại nhóm hacker thì đang muốn chứng tỏ cái uy của mình qua hoạt động phá hoại còn các công ty bảo mật thỉ ghi thành tích ảo để tranh giành cái miếng ăn. Đâu đâu vẫn thấy sự đối đầu.

Trong cái cảnh loạn lạc ấy thì ai đứng ra định hướng cho những sinh linh mới của cộng đồng bảo mất đang sinh sôi nảy nở, ngày một lớn nhưng chưa mạnh? Trong những người anh cả thì có người mai danh ẩn tích, có người yên vị trong công ty nào đó, có người vẫn tiếp xúc với những thế hệ đàn em để truyền kinh nghiệm. Nhưng đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng bảo mật vẫn còn nghèo nàn. Khả năng sản xuất và tái sản xuất của cái cộng đồng ấy yếu đến mức cho đến giờ họ vẫn phải đi sang các nước láng giềng để vay mượn tri thức, kỹ thuật để thoả cái cơn đói ngày đêm không dứt. Đời sống tinh thần thì cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Tuy là một cộng đồng nhưng những cái bó buộc họ với nhau chỉ là ngôn ngữ và biên giới. Hơn nữa cùng ngôn ngữ nhưng lại không chung tiếng nói. Họ không có lãnh tụ tinh thần, không có luồng tư tưởng chính thống. Thiếu những anh tài đã đành nay còn thiếu những nhà tư tưởng để định hướng cho cả cộng đồng đang bơ vơ ngó về trời Tây. Kẻ đi lấy "kinh" ở "Tây Thiên" không ít mà kẻ học được "đạo" ở "kinh" lại hiếm vô cùng! Giới giang hồ thì đạp người ngã ngựa. Lũ thầy bói mù kiêm lang băm thì bói đâu cũng ra ma, nhìn đâu cũng ra u nhọt. Lại thêm cái thói chữa lợn lành thành lợn què rồi chốc chốc lại loan tin về những bệnh nan y mới.

Trong cái thời loạn lạc ấy thì phần lớn những sinh linh mới của cộng đồng lại đều mồ côi, không nơi nương tựa. Nếu không có những sư phụ, sư huynh tâm huyết truyền đạo và không có sự kế thừa các di sản thì cái cộng đồng chỉ là sự bó buộc về mặt ngôn ngữ và quốc tịch thôi. Việc truyền ngọn lửa văn minh mới chi là bước đi đầu tiên trong hành trình vạn dặm thôi... Còn nhiều việc phải làm nữa để không còn phải đi hái lượm, nhập siêu và vay nợ từ các cộng đồng bảo mật khác trên thế giới.
Anonymous said…
Theo tôi thì blog cần có nhiều bài viết hơn nữa. Một tuần chỉ có vài bài, như thế là quá ít :). Các bài viết không cần thiết phải quá trau chuốt, chỉ cần đơn giản và dễ hiểu, thậm chí chỉ là một link đến bài viết hay nào đó là anh em đã mừng rồi :D.

Cảm ơn Thái và các đồng sự về blog này!
Anonymous said…
Hello,

Do you have an rss (or xml, atom) link so that I can subscribe to this blog?
Anonymous said…
" Đâu rồi những chiếc lá lành? Đâu rồi những conmale khác? Thay vì chửi rủa và chê bai lũ scriptkiddies, tại sao không hướng đám người trẻ nhiều nhiệt huyết đó vào con đường đúng đắn? "
Chính xác !!!! đây là câu nói mà tôi thấy hay nhất vì trúng ngay tâm trạng của tôi. Thái hối tiếc vì gặp gỡ anh conmale hơi trễ, tôi còn hối tiếc nhiều hơn thế khi tôi bắt đầu tiếp xúc với CNTT khi tôi đậu vào ngành này (wá trễ). Năm học đầu tiên chẳng ai nói cho tôi biết con đường mà tôi và các bạn tôi đang đi sẽ tới đâu (???). Chúng tôi học theo kiểu tự phát và tham lam, nghe ai nói cái gì hay cũng lôi ra coi 1 chút, cuối cùng cách học đó chẳng đi tới đâu, cái gì cũng biết chút chút nhưng chỉ đủ để hù con nít. Năm thứ 2, tôi biết Thái, wa Thái (1 cách gián tiếp) tôi biết Networking và anh conmale. Tôi tự định hướng đi cho tôi theo Networking = việc cụ thể là theo học 1 khóa kĩ thuật viên mạng để nắm những căn bản (lời khuyên cùa anh conmale). Học xong học phần mạng căn bản và windows, tôi lại tiếp tục học Linux (nghe theo lời của Thái) và hiện đang theo học lớp Linux này. Sau khi học xong lớp Linux này, tôi không biết tôi có nhận được lời khuyên hay định hướng học tiếp những gì hay không hay tôi lại tiếp tục tự tìm kiếm con đường đi cho mình ??? Tôi muốn học tiếp nâng cao về mạng nhưng chẳng biết học ở đâu?? Giờ tôi mới thấy giá trị thực sự của những định hướng mà những người đi trước chỉ dẫn. Ôi, lại nghe phong phanh sau khi vào WTO, sẽ có những công ty VN không muốn xài Win do trả tiền wá cao, mà chuyển sang sử dụng Linux, nếu theo tiêu chí đó thì nhà trường sẽ đào tạo những SV khóa mới học Linux và lập trình trên Linux. Nếu đó là sự thật, vậy còn tôi, bạn bè tôi, những anh chị khóa trên tôi sẽ đi đâu, sẽ như thế nào ???
----------
huynb
Thai Duong said…
Chào anh Giáp,

Em nghĩ nếu ra nước ngoài thì nên ra đó để học chứ không nên đi làm quá sớm khi mà kiến thức nền chưa vững. Dĩ nhiên ta cũng sẽ làm được việc nhưng làm xong nhìn lại cũng chẳng thu gặt được gì nhiều hơn ngoài một mớ tiền lận lưng.

Điều kiện học tập và nghiên cứu về khoa học máy tính nói chung vả bảo mật nói riêng ở VN hiện tại không thua kém là bao so với các nước khác trên thế giới. Thật tế là chưa bao giờ điều kiện tốt như thế này. Internet tốc độ cao, sách vở, tài liệu hết sức phong phú. Rào cản ngôn ngữ cũng không phải là điều quá khó khăn để vượt qua.

Điều duy nhất mà chúng ta còn thiếu là một môi trường "lắm thầy nhiều bạn", như ở Mỹ và các nước tiên tiến khác, cụ thể là một cộng đồng những người VN làm việc và nghiên cứu về bảo mật thực sự gắn kết và có tiếng nói chung với tiêu chí người đi trước hướng dẫn người đi sau để cùng tiến bộ.

-Thái
ngonpham said…
Tiếc là tui không rành về bảo mật nên cũng không hiểu rõ các bài viết lắm. Tuy nhiên tui biết mọi chuyện đều cần phải có bước khởi đầu, bỏ qua mọi lời chê bai, dèm pha của người xung quanh. Blog này ra đời đã là một nỗ lực, do đó cần được tiếp tục phát huy :)
Anonymous said…
Người mà thaidn nhắc đến trên phrack có phải là anh Lê Đình Long không?
Không biết mấy cao thủ VISC giờ lưu lạc ở nơi nào rồi nhỉ?
Anonymous said…
"Vấn đề duy nhất còn lại là chúng ta sẽ sinh hoạt theo cách nào? Một forum, một mailing list, một IRC channel hay chính cái blog này? Bạn có ý kiến gì không?"

Thái thân,

Theo anh, tất cả những thứ trên chỉ là phương tiện và đôi khi phương tiện hơi... nhiều làm hỏng người ;).

Bất cứ phương tiện nào có sẵn, thích hợp, tiện dụng đều tốt cả. Cái chính là thông tin được phổ biến ra làm sao và được tiếp nhận / sử dụng như thế nào.

Đối với vấn đề định hướng, có 3 điểm cốt lõi:

1) hiểu rõ vai trò của CNTT đối với đời sống, nhu cầu và tình trạng phát triển chung (kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, nghệ thuật...) nơi mình sống. --> không hiểu thế giới mình muốn đi vào có cái gì thì dễ bị mộng tưởng.

2) hình thành mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để học, làm và phát triển. Mục tiêu này phải thực tế và khả thi . --> muốn thì phải lên kế hoạch để biến nó thành sự thật và phải bền bỉ với chính kế hoạch mình đưa ra.

3) truyền đạt và chia xẻ những kinh nghiệm mình đi qua. Tự tạo cơ hội để ôn lại và đào sâu cho chính mình. --> Ngoài việc kiếm sống, đây là một hoạt động chẳng những có giá trị tinh thần mà còn là động lực để..."keep moving".

Nhìn ra thế giới để xác định mình đang ở đâu để rồi vạch cho mình con đường đi. Không nên trách cứ cho những thứ nằm ngoài tầm tay và khả năng của mình. Mọi việc mình mong muốn đều khởi đầu từ: mình.

Đối với việc đóng góp cho cộng đồng, hãy cho rằng mỗi ngày mình có 1 giờ cho những chuyện linh tinh trên đời (ngay cả chuyện gãi đầu, gãi mông... ;)) và chỉ cần dành 1/2 thời gian ấy để đưa ra một thông tin, một kinh nghiệm ích lợi là tốt lắm rồi.

Với phạm vi lớn hơn, anh tin rằng CNTT VN sẽ đi qua thời gian trăn trở, tò mò, thiếu hiệu quả để đi đến giai đoạn phát triển có lớp lang và phương hướng hơn. Tất nhiên là sự hỗ trợ của "các bác ở trên" không thể thiếu được :).
Anonymous said…
Bài viết của Thái có nhiều ý thú vị, và bàn sâu vào thì có lẽ rất mất thời gian. Các comments trên đã nói nhiều ý hay, tôi thử comment theo một hướng khác một chút.

1. Gia nhập WTO với các doanh nghiệp thì cũng như bọn làm CNTT mới được nối Internet thôi. Các doanh nghiệp VN "đóng góp" gì cho kinh tế thế giới sau khi gia nhập WTO thì còn phải chờ xem. Ví dụ: các doanh nghiệp của ta đã có đóng góp gì cho thế giới về một business model mới chưa? Câu hỏi này mới tương đương với một nhà khoa học đóng góp lý thuyết mới cho khoa học thế giới.

Do đó, so sánh việc gia nhập WTO với việc "làm khoa học tầm thế giới" thì hơi khập khiễng.

Tôi rất hiểu và đồng cảm với bức xúc của bài viết của bác Phạm Duy Hiển về tình trạng lẹt đẹt của khoa học nước nhà, nhưng e rằng bác ấy nóng lòng quá trong các lập luận của mình.

2. Nói chung ta cần hai điều kiện cho việc phát triển một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến: (a) văn hóa tư duy và làm việc khoa học trong cuộc sống của toàn dân (khai sáng như Châu Âu và Nhật), và (b) một cơ chế tạo incentives cho nghiên cứu.

(2a) Dân mình nói chung là chưa được khai sáng (Enlightenment). Mình chưa có một Fukuzawa (Phúc Trạch Dụ Cát) như ở Nhật, không có Paine, Voltaire, Rousseau, Hume, Kant, ... như Châu Âu. Đoạn đầu thế kỷ 20 mình đã có cơ hội với các tư tưởng rất tiến bộ của các lãnh tụ phong trào Đông Du, Duy Tân. Tiếc rằng vì nhiều yếu tố khách quan và cả giới hạn chủ quan của các cụ Phan, phong trào nay không "ngấm" vào dân được. Khi mà dân chúng và cả giới elites chưa thấm giá trị của duy lý, của biện chứng luận, thì làm sao có một nền khoa học kỹ thuật phát triển.

Cứ nhìn xung quanh mình, Thái sẽ thấy bà con còn rất tin vào tử vi, bói toán, tướng số, trời phật. Muốn tìm đường tắt đến thành công bằng ... cầu nguyện. (Cả đám học sinh đi thi đại học bằng cách vào Văn Miếu thắp hương.) Khi mà các cơ chế nhà nước còn duy ý chí, như các cải cách giáo dục 20 năm đổ lại, thì chưa có hy vọng một nền giáo dục khoa học kỹ thuật vững chắc. Người ta ra hết qui chế này đến qui định khác trong giáo dục, mà Thái có bao giờ thấy người ta đưa bằng chứng thực nghiệm là qui chế đó sẽ đạt được mục đích đề ra không? (Cứ xem dự thảo đánh giá thái độ rèn luyện của sinh viên gần đây, hoặc dự thảo qui chế cấm dạy thêm, học thêm là biết).

Báo chí, đáng lẽ phải đóng vai trò thiết yếu trong quá trình khai sáng tư tưởng, thì lại nửa lá cải, nửa nghiêm túc. Nguyên nhân chính là họ cũng chưa "ngấm" được tư tưởng biện chứng, duy lý trong khoa học. Ví dụ gần đây nhất là làm rùm beng các lý thuyết nhố nhăng "lật đổ" Eisntein và Newton.

(2b) Phần này đã có nhiều người nói, tôi không cần phân tích thêm. Nói chung là Việt Nam thiếu một Đặng Tiểu Bình!

3. Khi mà tình trạng chung của khoa học và công nghệ nước nhà là lẹt đẹt, thì việc chưa có (hoặc ít) người Việt viết bài cho Phrack, Blackhat, hay bất kỳ tạp chí, hội nghị khoa học nào là chuyện hiển nhiên. Ta chưa đủ critical mass để có các đóng góp có tiếng vang! Nói như vậy không phải để bào chữa cho bọn làm kỹ thuật chúng ta, vì đáng lẽ chúng ta chính là những người có điều kiện nhất để mang cái tên Việt Nam ra thế giới. Nhưng vì chưa đủ critical mass, xác suất có một Bruce Schneier của Việt Nam tự nhiên là rất bé.

4. Như vậy, để giải quyết bức xúc của Thái, ta cần làm hai việc: (4a) thúc đẩy tiến trình khai sáng trong xã hội, đả phá các tư tưởng duy tâm, duy ý chí trong cuộc sống, trong nghiên cứu và trong hoạch định chính sách, và (4b) phổ biến kiến thức và niềm đam mê nghiên cứu, làm việc duy lý, biện chứng, để tạo critical mass. Blog bảo mật thông tin là một bước đi quan trọng đóng góp cho (b). Phần (a) là vấn đề phức tạp hơn nhiều, nhưng cũng không phải không làm được, nhất là khi đã có critical mass.

Viết dài dòng mà chẳng liên quan gì đến bảo mật, hy vọng có một ý tưởng gì đó Thái và các bạn khác thấy hữu dụng.
Anonymous said…
Chào anh Hưng,

Bài viết của anh em chỉ không đồng ý ở 1 điểm, đó là cái mà anh gọi là lý thuyết "nhố nhăng".

Đó là lý thuyết mà 1 kiến trúc sư đã bỏ cả hơn chục năm tìm hiểu nghiên cứu. Ông đã cao tuổi, con cháu cũng thành đạt, không cần thiết phải kiếm danh/lợi mà phải chơi nổi. Lý thuyết đó ông đã nghiêm túc đem đi yêu cầu các nhà khoa học xem xét, chứng minh cái sai của ông chỗ nào, với tinh thần cầu thị.

Sự việc chỉ to khi một quan chức VN đánh giá "lý thuyết này có thể lật đổ Newton/Einstein, nếu được chứng minh là đúng", khi đó lại có mấy anh nhà báo VN! Chứ không phải là ông kiến trúc sư thất tuần kia tự biên. Khá nhiều người dè bỉu ông lão chỉ vì nghĩ ông háo danh, mà thậm chí không thấy được việc làm của ông là đáng khâm phục.

Tại sao lại xem việc người Việt có phát minh mới là không thể? Tại sao lại cứ nghe "đụng tới ông này ông kia" là bảo thằng hâm, liệu có phải đó là "sức ỳ" của người Việt? Sẽ tốt hơn nhiều nếu ai đó chịu nghiêm túc xem xét và chỉ cho ông lão chỗ sai trong lý thuyết ông ta (bằng khoa học), hơn là chỉ mới nghe qua đã bỉu môi "thằng Galileo này muốn bị treo cổ".

Xin trích vài lời của ông:
http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2006/11/69484/


QUOTE//--------------
Vừa nghe chúng tôi nhắc đến tên công trình nghiên cứu của mình, ông đã bảo: Các nhà khoa học lớn của Việt Nam… sợ gặp tôi lắm! Thậm chí tôi vừa đưa bài báo “Bàn về định luật của Newton và Einstein” các ông ấy đã vội gạt ngay. Các ông ấy bảo: “Ông đừng bàn nữa! Cái đó đã hiển nhiên rồi, bàn làm gì?”. Người ta cứ “xói” tôi: Tại sao ông lại nhằm vào Newton và Einstein? Lạ một điều là chẳng có ai “xói” tôi rằng: “Ông Trí ơi, ông sai rồi. Ông sai ở chỗ này này…!”. Tôi rất muốn các nhà khoa học của Việt Nam chỉ ra tôi đã sai và tôi sai ở đâu. Thế nhưng, hầu như khi đọc nghiên cứu của tôi thì người ta lại chỉ có một cái chuẩn là Newton và Einstein!? Thế mà tôi lại đang phản biện hai ông ấy.
---------------//


Lần đầu tiên thất vọng khi đọc bài anh Hưng,

-_-
Anonymous said…
Tôi rất ngưỡng mộ lòng dũng cảm và tinh thần say mê nghiên cứu của ông Trí, nhưng không vì thế mà công trình nghiên cứu của ông ấy kém nhố nhăng.

Tôi rất lấy làm tiếc là đã làm cho bạn phật lòng vì từ "nhố nhăng", nhưng tôi có đủ cơ sở (biện chứng) cho khẳng định này.

1. Tôi đã đọc lý thuyết trường quyển của bác Trí đăng trên báo Thanh Niên, và tôi biết chút ít về lý thuyết tương đối khi học quantum computing. Tuy nhiên, đây không phải là nơi bàn về Vật Lý, nên ta dành thảo luận kỹ thuật cho một forum khác thì thích hợp hơn.

2. Tôi biết 3 bác trong viện Vật Lý, trong đó co 2 người liên quan trực tiếp đến đề tài của bác Trí, và một trong số họ là người trực tiếp phản biện đề tài của bác Trí (xem bài báo sẽ dẫn), và một người khác là bố của bạn thân tôi. Tôi vừa trao đổi với anh bạn về đề tài này 2 hôm trước và biết thêm tình hình trong viện.

Các bạn không biết các bác ở Viện Vật Lý đã khổ sở như thế nào về bác Trí. Một bác trong viện cho biết, nếu không có "trát" từ trên xuống thì không ai hơi đâu đi phản biện hình thức đề tài này, vì bác Trí có những sai lầm khá thô thiển trong việc hiểu Einstein, vận tốc ánh sáng, Riemanian geometry, mass, gravitational field, quantum mechanics, v.v.

Họ đã rất cố gắng chỉ ra chỗ sai cho bác Trí một cách lịch sự, nhưng bác ấy nhất quyết bảo là họ không hiểu bác ấy viết gì. Nói chuyện về thuyết tương đối với một người không hiểu thuyết tương đối nhưng lại nhất quyết là mình đúng thì quả là ... đáng sợ.

3. Cái ông phát biểu câu: "lý thuyết này có thể lật đổ Newton/Einstein, nếu được chứng minh là đúng" hoàn toàn không có credential gì về Vật Lý hiện đại để nói câu đó. Ông ta làm về tâm lý xã hội học gì đó.

4. Muốn biết các bác ở viện Vật Lý thật sự nghĩ gì, các bạn có thể xem các bài sau,
http://www.hanoimoi.com.vn/vn/48/109865/
Theo TS Nguyễn Mộng Giao (Viện vật lý và Điện tử) và vài nhà khoa học khác cho rằng, có quá nhiều khẳng định chủ quan và nhiều mâu thuẫn trong lý thuyết của ông Bùi Minh Trí nêu ra. Cái gọi là công trình nghiên cứu khoa học của ông Bùi Minh Trí thực ra là một mớ kiến thức lẫn lộn, lung tung, không có cơ sở khoa học và thiếu những tính toán nghiêm túc.
http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/11/3B9F05C1/
Ông Trí không hiểu thế nào là lý thuyết tương đối, thế nào là hình học phi Euclid… nhưng vẫn bình luận, phán xét về các đề tài đó. Nhiều ý tưởng có vẻ như là của ông nhưng thực tế là sao chép (mà không hề có một trích dẫn tài liệu tham khảo nào) rồi được "lắp ghép" lại ở dạng thô sơ, lộn xộn và không chính xác. Nhiều khẳng định của ông chỉ là nói “khơi khơi” mà chẳng có cơ sở hay chứng minh gì cả.
(Các bạn xem hết bài của bác Nguyễn Anh Kỳ, người mà tôi biết và đã từng tham gia chung một mailing list, có các phản biện cụ thể.)

5. Dĩ nhiên là hoàn toàn có khả năng một người Việt Nam lật đổ được Einstein và Newton, nhưng công trình của bác Trí không phải là một công trình như thế.

Tôi nói công trình của bác Trí "nhố nhăng" không phải là vì nó do người Việt viết. Trên thế giới mỗi năm có hàng ngàn công trình nhố nhăng như thế. Tôi nói nó nhố nhăng là vì tôi biết rằng nó nhố nhăng.
Anonymous said…
Có thể có những sai lầm về kiến thức, nhưng gọi là "nhố nhăng" có hơi quá hay không? Hội đồng phản biện (của Viện Vật lý điện tử VN) và các cán bộ phản biện không viết nổi 1 bài (báo cáo khoa học) để chỉ ra các phần sai lầm của thuyết đó?!


Dù sao một ông già VN 75 tuổi đã dám BƯỚC RA KHỎI CHIẾC GIẾNG VÀ NHỮNG GIẤC MƠ CON thì nên bình tĩnh chỉ ra cho ông ta cụ thể sai chỗ nào, chứ không phải chỉ phê phán chung chung như nhiều người đã làm. Nghiên cứu khoa học nên được phê bình bằng lập luận khoa học.


Những nhà khoa học lớn của thế giới cũng có lúc tin chắc những thuyết khá lố bịch/buồn cười ; nhưng cũng có khi họ tìm ra được những phát kiến mới mà ban đầu ai cũng gọi là điên rồ; có lẽ là nhờ sự mạnh dạn ấy chăng? Ví dụ về cái này rất nhiều, tôi nghĩ các bạn ai cũng biết được ít nhiều trường hợp như thế.



Nhân tiện, nói thêm là ngoài bác Trí ra cũng còn một người Việt nữa cũng mạnh dạn đặt nghi vấn về tính chính xác trong thuyết của Einstein. Đó là bác Lê Văn Cường, một kỹ sư xây dựng hơn 50 tuổi. Bác này đã trình bài khá công phu qua các bài viết bằng Anh Ngữ gởi đến The General Science Journal (www.wbabin.net)


Một số bài viết chính của bác Cường:
http://wbabin.net/science/cuong1.pdf (THE RELATIVE VELOCITY OF LIGHT)
http://wbabin.net/science/cuong5.pdf (Is Einstein's Formula True? )
http://wbabin.net/science/cuong7.pdf (Light in the Space of a Black Hole)

(phần 5 đăng ngày 17/10/06 và phần 7 đăng ngày 8/11/2006)


Tôi nghĩ Việt Nam cần nhiều hơn nữa những người dám "bước ra khỏi giấc mơ con" như vậy; không chỉ ở Vật lý Lượng tử hay Khoa học Máy tính mà ở nhiều ngành khoa học khác. Dù cho điều tìm ra có thể là chưa đúng lắm nhưng những điều tích cực của việc nghiên cứu đó thì tốt cho XHVN hơn rất nhiều.
Anonymous said…
Hi,

Bảo mật nói chung là một trong những nghành hẹp của khoa học máy tính. Cụ thể, khoa học máy tính nước ta còn phát triển chậm chạp, nhìn các công trình Ms, Ph.D của các trường Đại Học thì biết. Nếu phát triển, thì không thể tự phát, community đôi lúc không mang nhịều ý nghĩa vì khó duy trì được lâu. Nếu phát triển từ môi trường Đại Học thì sao? Okie, cũng có phát triển đó, nhưng bao nhiêu người đủ điều kiện theo đuổi, bao nhiêu có một kết quả nghiên cứu cụ thể?

Muốn phát triển bảo mật, ít ra phải phát triển nền tảng của nó. Mô hình hình tháp chắc là có liên quan. Môi trường Đại Học thật sự có vai trò quan trọng. Mà Đại Học ở Việt Nam thì sao. Đơn giản, bao nhiêu thấy cô quan tâm đến những hiện tượng, những cá biệt? Bao nhiêu người đủ tinh tế để nhận ra cần vun đắp cho những cá biệt đó?

Việt Nam cần những Ngô-Bảo-Châu, Ngô-Đắc-Tuấn đối với Toán Học trong khoa học máy tính.
Anonymous said…
QUOTE ---
Bác này đã trình bài khá công phu qua các bài viết bằng Anh Ngữ gởi đến The General Science Journal (www.wbabin.net)


Một số bài viết chính của bác Cường:
http://wbabin.net/science/cuong1.pdf (THE RELATIVE VELOCITY OF LIGHT)
http://wbabin.net/science/cuong5.pdf (Is Einstein's Formula True? )
http://wbabin.net/science/cuong7.pdf (Light in the Space of a Black Hole)
-- END QUOTE


Bạn có để ý thấy cái gọi là "journal" ấy không có thông tin gì về một editorial board không? Ai là editor in chief, associate editors, họ đang làm việc ở đâu, đã có những công trình gì?

Thời buổi hiện nay ai mà chẳng mở được một journal online. Có hàng trăm journal rác về Computer Science trên Internet. Mỗi ngày tôi nhận được không dưới 10 spam emails hỏi đăng bài (không cần review) cho các journal rác này. Và cũng có từng ấy hội nghị quốc tế rác.
Anonymous said…
Đê tôi nói thêm một chút về cái journal mà bác Cường đăng bài trên đó, nếu không có bạn lại bảo dùng từ "rác" là quá đáng.

Tôi click ngẫu nhiên vào một phạm trù: Mathematical Physics
http://www.wbabin.net/pprmth.htm

Bài đầu tiên trong đó là bài
Fayez Fok al-Adeh:
# Added Nov. 16, 2006: A Simple Short Proof of Fermat's Last Theorem(PDF)

Bài "chứng minh" định lý Fermat lớn trên còn tệ hơn cả ... nhố nhăng.

BTW, Định lý Fermat lớn là bài toán 350 năm mới có Andrew Wiles giải (hồi 94, 95).
Anonymous said…
Hom nay tinh co doc duoc blog nay cam thay rut ra cho ban than nhieu dieu.
Cam on anh da chia se :) - ailaai
Unknown said…
hôm nay em đang đi thực tập nhưng cũng chỉ ngòi không lên online tìn cờ ghé vô đây. em thấy những gì các anh nói đều hay cả và rất sát thực tế tại VN. cam ơn rất nhiều